5 lời khuyên tài chính cá nhân tốt nhất cho năm 2022 của bạn

5 lời khuyên tài chính cá nhân tốt nhất cho năm 2022 dành cho tất cả chúng ta, đặc biệt là các bạn chưa có kinh nghiệm về quản lý tài chính, giúp tránh được những thói quen tiêu xài không mấy tích cực và lâm vào tình trạng “vung tay quá trán”, làm ra bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu.

Ngày nay, khi mà việc mua sắm ngày một trở nên dễ dàng và thuận tiện, việc quản lý chi tiêu thật sự là một thách thức lớn đối với chúng ta và đòi hỏi tính kỷ luật cao ở mỗi người. Liệu có cách nào để tiết kiệm tiền hiệu quả để không phải quá “thắt lưng buộc bụng” mà vẫn có thể sở hữu những thứ mình muốn? Các bạn hãy tham khảo 5 lời khuyên tài chính cá nhân tốt nhất cho năm 2022 dưới đây nhé!

5 lời khuyên tài chính cá nhân tốt nhất cho năm 2022

Cẩn thận trước cái bẫy “giảm giá”

Ngày nay, các sàn thương mai điện tử đều đang liên tục đưa ra những chương trình khuyến mãi, những ngày hội “siêu sale” với lời mời gọi đầy hấp dẫn. Với quan niệm rằng mua đồ giảm giá cũng góp phần giúp ta tiết kiệm tiền bạc, việc “săn sale” hàng tháng đã trở thành điều quen thuộc trong cuộc sống của nhiều bạn trẻ.

Để quản lý tốt tài chính cá nhân cần cẩn thận trước cái bẫy "giảm giá"!
Để quản lý tốt tài chính cá nhân cần cẩn thận trước cái bẫy “giảm giá”!

Tuy nhiên, mua được một món đồ giá rẻ không hẳn đã đồng nghĩa với việc bạn tiết kiệm được một khoản tiền. Trước khi bỏ bất cứ món đồ nào vào giỏ hàng, hãy hỏi bản thân 2 câu hỏi, “Liệu bạn có thật sự cần đến món đồ ấy không?” và “Chất lượng món đồ đó có đáp ứng được yêu cầu của bạn không?” Nếu câu trả lời cho một trong hai câu hỏi là không, hãy suy nghĩ lại về việc mua hàng cho dù mức giá của nó có vẻ hấp dẫn đến thế nào, vì khả năng lớn là bạn sẽ chỉ lãng phí tiền bạc mà thôi.

Coi tiền tiết kiệm là một khoản ngân sách cố định

Với những người chưa có ý thức quản lý tài chính, tiền tiết kiệm đơn giản là khoản tiền còn lại mỗi tháng sau khi đã chi tiêu hết các khoản khác. Tuy nhiên, đây là một thói quen tiêu xài không mấy tích cực vì ta rất dễ rơi vào tình trạng “vung tay quá trán”, làm ra bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu.

Để có thể tiết kiệm hiệu quả hơn, ta cần thay đổi tư duy và coi tiền tiết kiệm như một khoản ngân sách riêng biệt, cố định hàng tháng. Chỉ sau khi dành ra một khoản tiền đủ để trang trải các chi phí thiết yếu (như tiền nhà, điện nước, ăn uống…) và một khoản tiền cho việc tiết kiệm, bạn mới nên dùng số tiền còn lại cho những hoạt động mua sắm, giải trí mà bạn muốn. Bằng cách phân biệt rạch ròi giữa các khoản ngân sách như vậy, bạn sẽ luyện được thói quen tiêu xài có chừng mực và quỹ tiết kiệm của bạn sẽ lớn dần theo thời gian.

Cân nhắc trước khi mua những món đồ đắt tiền

Với những món đồ bình dân, mặc dù vẫn cần cân nhắc trước khi mua nhưng trong trường hợp bạn có đưa ra quyết định sai lầm thì thiệt hại về kinh tế vẫn không phải quá lớn. Tuy nhiên, việc bỏ một khoản tiền lớn để mua sắm những món đồ đắt tiền lại là một câu chuyện khác.

Để không bị cuốn theo cảm xúc và đưa ra những quyết định khiến bản thân hối hận sau này, đừng bao giờ mua một món đồ đắt tiền ngay khi nhìn thấy nó. Hãy đợi ít nhất một ngày trước khi đưa ra quyết định. Đừng nóng vội kể cả khi món đồ đó có đang giảm giá, vì niềm vui khi mua được hàng giảm giá cũng không sánh được với sự hối hận nếu bạn nhỡ lãng phí một khoản tiền lớn.

Việc chờ đợi sẽ giúp bạn không bị chi phối bởi cảm xúc và có thời gian để cân nhắc xem liệu khoản chi này có thực sự cần thiết hay không.

Đặt ra giới hạn thay vì cấm đoán

Giả sử bạn là một “con nghiện” trà sữa chính hiệu và ngày nào cũng phải làm một cốc “full topping” để thỏa mãn cơn thèm. Bạn biết rằng mình đang lãng phí khá nhiều tiền cho sở thích ăn uống này và muốn dành số tiền đó cho điều gì đấy thiết thực hơn. Liệu bạn có thể ngay lập tức “cai nghiện” trà sữa và loại bỏ nó hoàn toàn khỏi danh sách chi tiêu của mình được không?

Câu trả lời là không, và may mắn thay, bạn cũng không cần phải làm vậy. Hãy đặt ra một giới hạn mà bản thân có thể thực hiện được, ví dụ như một cốc trà sữa mỗi tuần, và tuân thủ nghiêm túc theo quy tắc đó. Bằng cách đặt ra những giới hạn cụ thể thay vì từ bỏ hoàn toàn những thú vui của bản thân, bạn vừa có thể tiết kiệm tiền một cách hiệu quả hơn vừa không phải bỏ lỡ những niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống.

Tận hưởng cuộc sống theo cách trọn vẹn nhất

Có ý thức tiết kiệm hẳn nhiên là một điều tốt, tuy nhiên quá ám ảnh về chuyện tiền bạc có thể dẫn bạn đến lối tư duy chắt bóp không cần thiết. Đôi khi, điều bạn cần làm chỉ là mua và sở hữu những gì mà bạn thích, cho dù đó có không phải là phương án tiết kiệm nhất.

Bạn có một cái hẹn đi ăn với đứa bạn và phân vân giữa một quán ăn bình dân và một nhà hàng đắt tiền? Sao không lựa chọn một bữa ăn sang trọng nếu bạn vẫn có thể chi trả cho bữa ăn đó mà không phạm vào số tiền dùng để tiết kiệm? Miễn là bạn vẫn đang tiêu xài trong khoản ngân sách cho phép, hãy cho phép bản thân thả lỏng và tận hưởng cuộc sống theo cách mà bạn muốn.

Để tìm hiểu thêm về quản lý tài chính cá nhân, các bạn quan tâm có thể tìm đọc những quyển sách hay nhất về chủ đề này ngay tại đây.

Trên đây là tổng hợp những lời khuyên tài chính cá nhân tốt nhất cho năm 2022, Góc Nhìn TS xin chia sẻ cùng các bạn.

Chúc các bạn thật nhiều sức khỏe và thành công!

Theo: Tâm Ngọc

Bạn nghĩ gì về bài viết này?

      Leave a reply

      Góc nhìn TS
      Logo